Vai trò của người thầy trong đào tạo KTS

 Vai trò của người thầy trong đào tạo KTS
Tin Tức
Vai trò của người thầy trong đào tạo KTS
Ngày đăng: 23/08/2024 Lượt xem: 29

 [1]. Trong bối cảnh thời kỳ công nghệ 4.0, lĩnh vực đào tạo đại học chuyên ngành Kiến trúc, Quy hoạch đặt ra những vấn đề cần phải suy nghĩ và giải quyết về vai trò của giảng viên – KTS và sinh viên (SV) nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới.

Khoa Kiến trúc Trường ĐHBK, ĐHĐN tổ chức cuộc thi Thiết kế nhanh

Xu hướng giáo dục đại học

Workshop quốc tế

Nếu như mô hình đào tạo đại học truyền thống chủ yếu là sự truyền đạt các kiến thức một chiều từ thầy đến trò, đại học tiên tiến chú trọng đến sự tương tác giữa thầy và trò (hai chiều); thì giáo dục đại học hiện đại chú trọng đến tương tác đa chiều [2]. Thêm nữa, với sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ và kỷ nguyên số, lượng tri thức của nhân loại tăng nhanh theo cấp số nhân, việc truyền thụ kiến thức theo thời gian chính khóa – cố định và giới hạn, người thầy khó lòng truyền thụ, cũng như người học khó lòng tiếp thu hết và đầy đủ. Vì vậy, triết lý giáo dục hiện nay hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội học tập, học thường xuyên, học suốt đời dựa trên bốn trụ cột: Học để biết, học để làm, học để cùng chung sống và học để làm người – Theo đó, giáo dục không chỉ là đào tạo kiến thức và kỹ năng mà chủ yếu rèn luyện năng lực: Nhận thức, hành động, giao tiếp – truyền thông và quản lý lãnh đạo[1].

Đào tạo đại học theo học chế tín chỉ

Trong lịch sử phát triển nhân loại, hệ giá trị các kinh nghiệm, kiến thức của xã hội được truyền đạt thông qua quá trình xã hội hóa liên tục – mỗi người tự hệ thống lại các giá trị kiến thức, hình thành giá trị sống và phẩm chất, nhân cách riêng của bản thân – hình thành thế giới quan khoa học, nhân sinh quan, niềm tin của cá nhân. Và giáo dục tham gia tích cực vào quá trình xã hội hóa đó. Vì vậy, giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng được xác định là một quá trình liên tục, có hệ thống – Bằng chương trình giáo dục, người dạy truyền đạt các kiến thức “gần” với nhận thức của người học và dẫn dắt từng bước để người học thông qua môi trường sống của mình có thể tích lũy, lĩnh hội thêm kiến thức, hoàn thiện và hệ thống lại kiến thức của bản thân[4].

SV Khoa Kiến trúc Trường ĐH Bách Khoa, ĐH Đà Nẵng tham gia và đạt Giải nhất Cuộc thi Thiết kế chiếu sáng trang trí Tết của TP Đà Nẵng năm 2017

Từ năm 1872, phương pháp đào tạo theo tín chỉ được Đại học Harvard (Hoa Kỳ) phát triển và sau đó phổ biến trên toàn thế giới. Chương trình đào tạo có tổng số tín chỉ lớn hơn số tín chỉ người học cần tích lũy, mong muốn hướng đến các mục tiêu cụ thể là SV chủ động và tự lập kế hoạch học tập, tự lựa chọn các môn học phù hợp với nhu cầu cá nhân. Với ý nghĩa đó, việc xây dựng học chế tín chỉ được hình thành với triết lý: Tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho người học, người học là trung tâm của mọi hoạt động trong nhà trường [4].

Thời gian qua, mô hình học chế tín chỉ cũng đã được áp dụng ở Việt Nam. Tuy nhiên quá trình tổ chức đào tạo theo mô hình này cũng xuất hiện một số hạn chế như: (1) Thái độ học tập của SV chưa chủ động nên chưa khai thác hiệu quả tính linh hoạt, tính mở của chương trình đào tạo; (2) Số lượng học phần nhiều dẫn đến việc quản lý chất lượng đào tạo và chất lượng học tập của SV chưa cao; (3) Chưa phát huy được vai trò của cố vấn học tập để định hướng cho SV; (4) Các môn tự chọn nhiều dẫn đến khó khăn trong việc cân đối bài toán kinh tế [4].

Vai trò của giảng viên – KTS trong lĩnh vực đặc thù đào tạo kiến trúc

Ở Việt Nam, đối với chương trình đào tạo đại học nói chung và lĩnh vực đào tạo chuyên ngành kiến trúc nói riêng, đảm bảo người dạy lẫn người học phải lĩnh hội hệ thống kiến thức của chương trình đào tạo, được chọn lọc trong kho tàng kiến thức văn hóa, khoa học của nhân loại và liên tục được bổ sung, hoàn chỉnh. Từ đó, người dạy giúp cho SV phát triển trí tuệ: Hình thành phương pháp học, phương pháp làm việc, rèn các thuộc tính độc lập sáng tạo mềm dẻo, linh hoạt của trí tuệ, khả năng phản biện và tranh luận [4].

Ngành học kiến trúc có đặc thù yêu cầu SV phải thể hiện tốt khả năng sáng tạo, thói quen suy nghĩ độc lập, đột phá trong thể hiện ý tưởng, sự khéo léo trong thể hiện đồ án môn học, và cảm thụ thẩm mỹ khi thực hiện các bài tập ở trường. Bên cạnh đó, SV còn phải tiếp cận tư duy logic, sự phán đoán chính xác và khoa học đối với các môn chuyên ngành liên quan đến kỹ thuật. Chính vì vậy, giảng viên phải là người kích thích được óc tò mò, tính ưa khám phá, sự dấn thân trong nghiên cứu và tìm hiểu các kiến thức liên quan. Điều này trở nên đặc biệt quan trọng trong việc hình thành động cơ học tập cho SV. Do đó, giảng viên có thể tổ chức những cuộc thi trong khuôn khổ chương trình đào tạo, nhằm tạo cơ hội tuyển chọn và theo dõi các hoạt động trí tuệ của SV trong việc thực hiện đồ án; đồng thời thực hiện việc đánh giá, đề xuất các giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động tư duy khoa học và sáng tạo của SV.
Mặt khác, giảng viên phải có phương pháp tốt, đảm bảo người học lĩnh hội kiến thức về những vấn đề phức tạp trên cơ sở các kiến thức mà người học đã tích lũy qua các môn, học phần trước đó. Sau khi học xong, SV thực hiện bài tập, bài thi theo yêu cầu để đảm bảo việc diễn đạt những kiến thức đã học một cách có ý nghĩa và chặt chẽ.

Giảng viên cần mạnh dạn tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, trao đổi kinh nghiệm giữa người học với những chuyên gia, KTS có những thành tựu đáng kể và có ảnh hưởng đến SV; qua đó, truyền đạt những kiến thức, kỹ năng phức tạp bằng các ví dụ sinh động, trực quan, hiện thực giúp SV nhìn nhận rõ mục tiêu của cá nhân, xác định động cơ phù hợp và rèn luyện khả năng, thói quen tư duy một cách khoa học, hiệu quả nhất.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và khoa học công nghệ phát triển nhanh như hiện nay, hoạt động giảng dạy của giảng viên và học tập của SV kiến trúc chịu sự ảnh hưởng rất lớn bởi các yếu tố môi trường như: Văn hóa, khoa học kỹ thuật, công nghệ, mỹ thuật… Việc khuyến khích SV (1) tham gia các hoạt động ngoại khóa, tiếp cận với kiến thức chuyên ngành thông qua hội thảo công nghệ vật liệu, tham gia các cuộc thi sáng tác … (2) khám phá lịch sử, văn hóa của địa phương, đất nước thông qua các chuyến đi, các nghiên cứu thực nghiệm/thực tập nhận thức… (3) chủ động lựa chọn, quan tâm các lĩnh vực khoa học, nghệ thuật đặc thù trong đời sống xã hội… giúp cho SV phát huy được động cơ nội tại của bản thân, đáp ứng tốt yêu cầu đối với công việc đòi hỏi trí tuệ và phù hợp với sở thích.
Điều này đã được chứng minh rất rõ đối với các công trình nổi tiếng trên thế giới, KTS thiết kế hiểu rõ và khai thác được các giá trị đặc trưng của văn hóa, ngôn ngữ và hoàn cảnh xã hội để xây dựng nên ý tưởng thiết kế công trình đạt được hiệu quả cao, giảng viên cần hướng dẫn để SV quan tâm và nghiên cứu đến các lĩnh vực văn hóa xã hội một cách hiệu quả nhất.

SV tham quan dã ngoại tại làng Sinh thái Triêm Tây – Điện Phương, Quảng Nam với KTS Bùi Kiến Quốc, Viện sĩ viện Hàn lâm Kiến trúc Pháp

Thuận lợi và khó khăn của đào tạo kiến trúc hiện nay

Với những đặc điểm về xu hướng giáo dục đại học hiện nay, phương pháp đào tạo và chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ, việc giáo dục đào tạo chuyên ngành kiến trúc cần khai thác hiệu quả một số quan điểm chính:

Bằng kinh nghiệm thực tế và tri thức lý luận, giảng viên xây dựng và tổ chức giảng dạy các môn học, đồ án sao cho SV tiếp nhận các kiến thức và biến chúng thành kỹ năng, trí lực trong tư duy và thiết kế sáng tác, đáp ứng được nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho hội nhập, hợp tác quốc tế;
Trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 và nền kinh tế tri thức, phương pháp giảng dạy phải mạnh dạn chuyển từ việc “truyền đạt” một chiều, thành việc phải tạo ra sự tương tác giữa người dạy và người học, tạo môi trường cho SV không chỉ học trên giảng đường mà có thể học mọi lúc, mọi nơi: Từ việc làm thêm, nghiên cứu khoa học, trải nghiệm các hoạt động liên quan đến chuyên ngành đào tạo kiến trúc – Qua đó, SV rèn được kỹ năng tư duy, kỹ năng biểu đạt, khai thác và xử lý thông tin một cách hiệu quả;
Để thúc đẩy, tạo động cơ học tập đúng đắn, tăng cường tính sáng tạo trong đào tạo kiến trúc, giảng viên cần nghiên cứu, đề xuất các hình thức giảng dạy thông qua hoạt động ngoại khóa, nghiên cứu các vấn đề thực tiễn trong đời sống xã hội, tăng cường hợp tác với các chuyên gia, doanh nghiệp để giới thiệu các sản phẩm công nghệ về khoa học, kỹ thuật, vật liệu…;
Không chỉ người học mà cả người dạy, giảng viên – KTS, cần phải hiểu và nhận thức rõ việc học tập cho bản thân là thực hiện quá trình học tập suốt đời thông qua việc tự trau dồi kỹ năng, bổ sung tri thức với sự hỗ trợ của công nghệ và các phương tiện khác.

SV Kiến trúc đi thực tập nhận thức ở Lào, Thái Lan năm 2017
SV Kiến trúc thể hiện đồ án môn học tập trung tại trường

Kết luận

Một sản phẩm tốt – KTS được đào tạo và phục vụ xã hội, là người phải biết vận dụng các kiến thức đã học với vốn kiến thức được tích lũy trong đời sống cá nhân để sáng tạo và thiết kế kiến trúc. Vai trò đặc thù của giảng viên – KTS trong các trường đào tạo kiến trúc nhằm giúp đỡ, tạo điều kiện cho SV kiến trúc có môi trường thuận lợi để phát huy tốt nhất phương pháp tư duy và khả năng học tập riêng cho bản thân. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, SV không còn là người thụ động tiếp nhận kiến thức từ giảng viên, mà phải trở thành một chủ thể tự giác, tự tổ chức và tự chịu trách nhiệm về quá trình nhận thức của bản thân, dưới sự hướng dẫn của giảng viên [1], cùng với giảng viên khám phá những tri thức mới, phục vụ cho nhu cầu tích lũy kiến thức và phục vụ xã hội.

Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Đức Chính (2008), Thiết kế và đánh giá chương trình giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
2. Phan Hữu Huân (2013) Vấn đề dạy học và đánh giá kết quả theo mô hình đại học 2.0, Hội nghị khoa học Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Phương Đông.
3. Đặng Xuân Hải (2012) Kỹ thuật dạy và học trong đào tạo theo học chế tín chỉ, NXB Bách khoa, Hà Nội
4. Vũ Hoàng Hiệp (2013) Quản lý đào tạo trong hệ thống đào tạo tín chỉ, Hội nghị khoa học Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Phương Đông..
5. Giảng viên Khoa Kiến trúc Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN (2017) Đào tạo Kiến trúc và Quy hoạch ở nước ngoài từ kinh nghiệm của các giảng viên trẻ ngành Kiến trúc.

Tác giả:

KTS. Phan Bảo An
KTS. Nguyễn Xuân Trung
HS. Trần Văn Tâm
Khoa Kiến trúc Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng

Trích nguồn: https://www.tapchikientruc.com.vn/dao-tao/vai-tro-cua-nguoi-thay-trong-dao-tao-kts.html

Các bài viết liên quan

 ICISE – Câu chuyện về kiến trúc bản địa, nghệ thuật và phát triển bền vững

ICISE – Câu chuyện về kiến trúc bản địa, nghệ thuật và phát triển bền vững

Mặt nước, cây xanh và tinh thần đô thị

Mặt nước, cây xanh và tinh thần đô thị

 Việt Nam có 2 công trình được vào Chung kết Giải thưởng tại Liên hoan Kiến trúc Thế giới (WAF) 2024

Việt Nam có 2 công trình được vào Chung kết Giải thưởng tại Liên hoan Kiến trúc Thế giới (WAF) 2024

Liên hệ

HÃY CÙNG TRAO ĐỔI THÊM

Để lại thông tin để chúng tôi có thể tư vấn cho bạn.
Gọi cho chúng tôi
Chat qua facebook
Chat qua zalo
Văn phòng